Để chơi Cờ Toán Việt Nam trực tuyến, bạn phải có một tài khoản trên trang web. Click vào nút đăng ký bên dưới để tạo một tài khoản.
Đăng ký Cờ Toán Việt Nam online

Các trận đấu đang diễn ra:

Ông già và bàn cờ toán 1 triệu USD

Món cờ toán này kỳ thú tới mức ngay sau đó, có một chuyên gia về cờ ở Trung Quốc đã lặn lội tìm tới gặp ông để đòi mua lại bản quyền với cái giá 1 triệu USD.

Cách đây hơn 20 năm, ông Bẩy lóc cóc đạp xe từ Bắc Ninh về Ủy ban Khoa học nhà nước ở Hà Nội để trình làng một sản phẩm rất mới lạ gọi là “cờ toán”.

Thay vì tìm hiểu xem cái sản phẩm của ông như thế nào, nhiều cán bộ của ủy ban này lại xét nét hỏi ông rằng: “Ông có biết tiếng nước ngoài hay không? Đã đi nước ngoài lần nào chưa?”. Ông Bảy thản nhiên bảo: “Tôi chỉ được học hết lớp 7, chẳng biết nước ngoài thế nào”. Hóa ra, họ nghi ông “cuỗm” trí tuệ của người khác, của nước khác rồi về “cải biên” thành cờ toán.

“Đứa con” không được  thừa nhận

Họ nghi hoặc ông cũng có lý. Bởi vì theo tính toán, tổng số nước đi của cờ toán là lũy thừa của 87. Đó là một con số khổng lồ mà người chơi cờ không bao giờ có thể chơi hết những nước đi khác nhau như vậy. Ủy ban Khoa học nhà nước lúc ấy phải nhờ các chuyên gia của Liên Xô (cũ) tính toán, nhưng họ cũng không tính được kết quả lũy thừa của 87 là bao nhiêu. Do không tính được số nước cờ, người ta không công nhận sản phẩm của ông.

Lòng ông Bẩy nặng trĩu. Ông mang sản phẩm trí tuệ của mình đến một tờ báo dành cho trẻ em, đề nghị báo đăng để học sinh cả nước biết. Báo lên khuôn rồi, chẳng may giáo sư Trần Quốc Vượng (đã quá cố) tình cờ thấy được, liền hỏi biên tập viên là thứ cờ này đã đăng ký bản quyền chưa, nếu chưa thì đừng cho đăng. Bởi ông sợ nếu đăng thì chất xám của ông Bẩy sẽ bị đánh cắp ngay lập tức. Báo lại bóc ra.

Năm 1988, con trai ông Bẩy đi Liên Xô. Ông bảo anh ta mang sang đó dịch ra tiếng Nga để mọi người chơi cho khỏi phí. Nhưng khi đến Cục Xuất cảnh trình bày, anh công an bảo: “Nếu có vấn đề gì thì bác sẽ phạm tội bán tài sản trí tuệ quốc gia”. Ông hoảng quá, lại thôi. Đi bao nhiêu cơ quan, cơ quan nào cũng từ chối mà ông cũng không biết phải đem trình cơ quan nào.

Món cờ của ông đành phải cất vào ngăn tủ, cho đến khi nghe Nhà nước thành lập một cơ quan chịu trách nhiệm về bản quyền, ông Bẩy lại hớn hở đem cờ toán đi trình làng, định là lần cuối, không được thì thôi. Thật bất ngờ, tháng 5-2005, Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật (Bộ VH-TT) chính thức công nhận sản phẩm trí tuệ do ông nghĩ ra. Ông Bẩy vui như đào được vàng ròng, hóm hỉnh bảo: “Sau 20 năm, “con” tôi mới được “cấp giấy khai sinh”. Thế là cờ toán đã có bản quyền, không sợ bị ai đánh cắp”.

Ngay sau khi món cờ toán của ông được cấp bản quyền, một tờ báo ở Hà Nội đã đặt vấn đề bán đấu giá sở hữu trí tuệ với giá khởi điểm là 1 triệu USD. Biết tin này, một chuyên gia về cờ ở Trung Quốc đã thuê phiên dịch viên tìm đến tận nhà ông ở Bắc Ninh, đề nghị trả 1 triệu USD để mua lại bản quyền và nói rằng sẵn sàng trả hơn nếu có người khác trả nhiều hơn. Tuy nhiên, ông Bẩy không chấp nhận bởi điều kiện của chuyên gia người Trung Quốc đưa ra là phải thay các dấu chấm tròn trên mặt quân cờ bằng các chữ: nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục, thất, cửu.

Đồng thời, phải thay tên “cờ toán VN” bằng cờ toán quốc tế. “Tôi không muốn để người ta thay tên gọi vì khi sáng tạo món cờ này, điều thôi thúc tôi là phải sáng tạo ra một thứ cờ của VN, mang nguồn gốc VN. Tôi cũng không bán bởi họ mua nó với ý định thương mại hóa. Nếu họ mua để phổ biến thì tốt, còn ngược lại tôi cũng chẳng cần. Bao năm nay tôi vẫn sống bằng nghề nặn tượng và vẫn đủ sống” - ông Bẩy bộc lộ quan điểm. Ông nói thêm: “Cái mà tôi cần bây giờ là bằng cách nào, phương tiện ra sao để phổ biến cho nhiều người chơi cờ toán một cách hiệu quả, để tôi khỏi tốn tiền photo các bài hướng dẫn”.

Chuyện là, từ khi món cờ toán của ông được công khai thì mỗi ngày có hàng chục, hàng trăm người ở quanh TP Bắc Ninh và khắp các tỉnh trong cả nước gửi thư, gọi điện cho ông xin được gửi bản photo hướng dẫn cách chơi, luật chơi cờ toán. Ông đã tốn cả bạc triệu để gửi các hướng dẫn cho người hâm mộ nhưng vẫn không xuể.

Mới đây, Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Ninh có kế hoạch trình Bộ GD-ĐT đưa món cờ toán của ông vào thành môn học cho học sinh ở Bắc Ninh. Trong tháng bảy này, UBND tỉnh Bắc Ninh dự định mở một hội thảo về cờ toán của ông Vũ Bẩy. Các chuyên gia của Ủy ban Thể dục thế thao VN cũng đã gặp ông và hứa sẽ phát triển môn cờ toán ra cả nước.

Ván cờ và triết lý xã hội

 

Bàn cờ toán do Vũ Bẩy thiết kế, sáng tạo đã được cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả sau 20 năm chờ đợi

“Người Việt từ xưa đến nay vẫn chơi cờ tướng. Nhưng cờ tướng là của người Trung Quốc. Rồi người ta chơi cờ vua. Cờ vua cũng là môn cờ du nhập. Chẳng lẽ chúng ta không có một loại cờ của riêng ta? Lúc đó tôi nghĩ có thể dùng các con số để tính toán cho một ván cờ được không? Thế là tôi bắt đầu bỏ thời gian để nghiên cứu về một thứ cờ gọi là cờ toán, để làm sao khi chơi cờ, người chơi phải vận dụng các kiến thức về toán học, đồng thời nó còn giúp khả năng toán học của người chơi được tốt lên” - ông Bẩy tâm sự.

Nung nấu từ những năm 1970, đến tận những năm 1980 ông mới hoàn thành được luật chơi cờ toán. Từ vị trí xếp quân cho tới giá trị mỗi quân hay cách bắt quân... ông đều phải sửa đi sửa lại hàng chục lần.

Theo ông, để đi một nước cờ toán thì phải vận dụng một trong bốn phép tính: cộng, trừ, nhân, chia. Do phải sử dụng cách chơi phối hợp cả bốn phép tính, nên tổng số nước đi của một ván cờ toán là lũy thừa của 87 (87^87). Trong khi đó, tổng số nước đi của cờ tướng chỉ là lũy thừa của 32, còn cờ vua là lũy thừa của 16). Lũy thừa của 87 là một con số mà “không biết bao nhiêu đời người mới có thể đi hết từng ấy nước đi” - ông khẳng định. Cờ toán vừa dân dã, vừa bác học là vì thế.

Ông Bẩy còn gửi vào cờ toán một triết lý nhân sinh: “Khi chơi cờ toán, nó không chỉ giúp người ta tính toán mà còn dạy cho người ta phải biết lẽ sống. Tính cách từng người sẽ được thể hiện qua ván cờ toán. Người tham lam thì chỉ thích cộng, thích nhân. Nhưng cứ nhân, cứ cộng mãi cũng thất bại (thua). Cái đó cũng giống như ở đời: lá lành phải biết đùm lá rách, phải biết chia sẻ cho người khác”.

Đặc biệt, theo ông, cái này mới là độc đáo: quân số 0 (đứng yên một chỗ, không được di chuyển). Tất cả các quân còn lại 1-9 đều có nhiệm vụ công thủ ngang nhau và có một trách nhiệm chung là bảo vệ quân số 0. Trong cờ vua và cờ tướng, khi mất vua hoặc tướng là bị thua. Tuy nhiên, cờ toán lại khác cờ tướng, cờ vua ở chỗ: quân số 0 là dân chứ không phải tướng hay vua, và khi để dân bị đối phương bắt, người chơi sẽ bị thua tuyệt đối.

Theo Tuoi Tre Online

Execution time: 0.041s | DB queries: 4 | tai game mien phi